Thời gian gần đây, việc đưa tuyến buýt điện thân thiện môi trường vào thí điểm vận hành tại TPHCM đã tạo được sự thích thú cho nhiều người. Loại hình buýt mới này được cho là sẽ góp phần kích thích nhu cầu đi lại, phát triển giao thông công cộng ở TPHCM để tiến tới hạn chế xe cá nhân.
Khách đi xe buýt điện tăng từng ngày
Tuyến xe buýt điện D4 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải sinh thái Vinbus đầu tư, đưa vào vận hành từ ngày 9.3 khiến nhiều người hào hứng sử dụng.
Không còn lên xe chỉ để "đi thử" như những ngày đầu, hơn 1 tháng nay, chị Nguyễn Thị Oanh (Thành phố Thủ Đức) “cất” xe máy để đi xe buýt điện vào quận 1 làm việc. "Sử dụng xe buýt điện đi làm hằng ngày tôi thấy rất hài lòng bởi sự hiện đại, tiện ích trên xe, nhất là hệ thống WiFi miễn phí. Tôi có thể giải quyết một phần công việc trên xe hay sử dụng Internet trong những trường hợp cần thiết" - chị Oanh chia sẻ.
Cũng theo chị Oanh, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, đi lại bằng xe buýt điện với giá vé chỉ từ 3.000-7.000 đồng mỗi lượt giúp người dân tiết kiệm túi tiền. Tuy vậy, để hút khách, chị Oanh cho rằng cần mở rộng thêm nhiều tuyến buýt điện ở các khu vực khác để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
“Xe rất hiện đại và đầy đủ tiện ích, giá vé hợp lý, nhất là đối với học sinh, sinh viên nhưng chỉ có một tuyến thì ít quá. Cần xem xét mở thêm, phục vụ đa dạng đối tượng hành khách, nhất là các tuyến đường khu vực trung tâm” – chị Oanh góp ý.
Cho đến nay TPHCM chỉ mới thí điểm một tuyến buýt điện D4 từ công viên 23.9 (quận 1) đến khu Vinhome Grand Park (Thành phố Thủ Đức) cự ly 29km với tần suất khoảng 15 phút/chuyến, từ 5h đến 21h15 mỗi ngày. Xe có thể chở tối đa 67 người, trong đó 26 ghế ngồi bình thường, 2 ghế ngồi dành cho người khuyết tật, người già và 39 chỗ đứng. Giá vé chung là 7.000 đồng/lượt và 3.000 đồng/lượt học sinh, sinh viên.
Theo đại diện đơn vị vận hành xe buýt điện, sau 2 tháng đầu tiên hoạt động, hệ thống xe buýt điện nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo người dân thành phố. Buýt điện phục vụ hơn 40.000 lượt hành khách/tháng, tương đương với 1.400-1.500 lượt hành khách mỗi ngày, số lượng này đang tăng lên hằng tuần.
Tuy nhiên, hệ thống trạm dừng dọc lộ trình còn ít nên nhiều hành khách phản ảnh cần bổ sung thêm. Để khắc phục tình trạng này, đơn vị vận hành đã có văn bản đề xuất lên Sở GTVT TPHCM và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm 11 điểm dừng, trạm đón - trả khách để tăng khả năng kết nối, thuận tiện đi lại cho người dân.
Tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng
Nhiều năm qua, TPHCM đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, tuy nhiên vận tải hành khách công cộng còn đạt tỉ lệ thấp (gần 10%) so với nhu cầu đi lại của người dân.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM - ông Trần Quang Lâm cho rằng, để phát triển tốt hệ thống giao thông công cộng, cần phát triển nhiều loại hình, nhiều phương thức, góp phần tạo hình ảnh giao thông công cộng văn minh, hiện đại. Trong đó, loại hình xe bus điện được xem là mũi nhọn, đáp ứng được những kỳ vọng nêu trên cũng như góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, bảo vệ môi trường.
"Việc thí điểm đưa xe buýt chất lượng cao vào hệ thống vận tải hành khách công cộng được kỳ vọng không chỉ góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại mà còn góp phần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giúp người dân có thêm sự lựa chọn phương tiện giao thông mới chất lượng, phục vụ nhu cầu đi lại ngày một tốt hơn" - ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, TPHCM tiếp tục mở thêm 4 tuyến xe buýt điện trong năm nay để phục vụ người dân, gồm các tuyến: Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart, dài 27km; Vinhome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất, 30km; Vinhome Grand Park – Bến xe miền Đông mới, 8,5km; Bến xe Miền Đông mới – Khu đô thị Đại học Quốc gia, 10km.
Lên kế hoạch phủ xe điện
TPHCM là một trong những thành phố hàng đầu thế giới chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu mà giao thông vận tải là nguyên nhân chính, chiếm 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Hiện TPHCM đang quản lý hơn 8,4 triệu phương tiện, trong đó khoảng 819.000 ôtô và hơn 7,6 triệu xe máy, nhiên liệu chính vẫn là xăng. Trong đó, hệ thống xe buýt hiện có 126 tuyến với khoảng 2.500 xe, nhiên liệu chính là diesel.
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - ông Bùi Hòa An khẳng định, mục tiêu giảm khí thải từ giao thông, phát triển giao thông xanh là chủ trương chung của TPHCM. Việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện là bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch.
Hiện Sở GTVT TPHCM đang phối hợp với đơn vị tư vấn lên kế hoạch triển khai dự án phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện tại thành phố.
GS-TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (trưởng nhóm tư vấn) cho biết, phương tiện giao thông điện đã xâm nhập vào thị trường TPHCM như 1 xu thế tất yếu. Giờ là lúc vẽ con đường để các loại phương tiện này trở thành phổ biến ở TPHCM.
Theo ông Tuấn, kết quả khảo sát tại 13 quận của TPHCM với trên 3.000 phiếu, khoảng 44% doanh nghiệp vận tải có nhu cầu chuyển sang phương tiện điện và 13,2% người dân có nhu cầu chuyển từ xe máy thường sang xe máy điện.
Từ thực tế này, nhóm tư vấn đề xuất kịch bản phát triển giao thông điện cho TPHCM theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn khởi động (2022-2030) sẽ phát triển 20% xe máy điện, 20% ôtô cá nhân, 50% xe buýt và 10% taxi điện; giai đoạn tăng trưởng (2030-2040) phát triển 50% xe máy, 60% ôtô con, 100% xe buýt và 20% taxi điện. Tỉ lệ này sẽ tăng tương ứng 90%-100% đến năm 2050 (giai đoạn tăng trưởng ổn định).
Để đạt được mục tiêu trên, TPHCM cần có các giải pháp từng bước phân vùng kiểm soát khí thải và thu phí ô nhiễm ở từng giai đoạn. Cụ thể, đến 2025, TPHCM phải xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật liên quan đến phát triển phương tiện giao thông điện. Sau 2030, chính sách thống nhất tiêu chí đối với các trạm sạc được hoàn thiện.
Năm 2035, TPHCM dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong. 5 năm tiếp theo, thành phố đặt mục tiêu dừng cấp đăng ký mới với xe dùng động cơ diesel và xe máy dùng động cơ đốt trong. Và đến năm 2050, TPHCM sẽ dừng cấp đăng ký mới với tất cả xe sử dụng nhiên liệu từ động cơ đốt trong.
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM nhìn nhận, chuyển đổi giao thông điện không chỉ đơn thuần là thay xe xăng bằng xe điện mà cần cả hệ thống hạ tầng đồng bộ như nguồn phát sạch, trạm sạc, bến bãi... Nếu chỉ sử dụng phương tiện điện nhưng nguồn phát lại từ than hoặc những loại nhiên liệu hóa thạch khác thì cũng không đạt được mục tiêu của dự án. “Sở GTVT TPHCM đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu để xây dựng cơ chế và phương án tổng thể cho dự án” - ông Bùi Hòa An nói.
Nguồn: Báo Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét